ĐÀM VỀ TRÀ ĐẠO
Trà công phu, Trà đạo, Trà lễ là những danh từ chung để mô tả lối thưởng thức trà của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nó nổi tiếng, rất nổi tiếng thậm chí đã trở thành một chuẩn mực. Đặc điểm chung của cả 3 nền văn hoá kia là “ở nước họ, vốn dĩ không có cây trà tự nhiên mọc”. Những cây trà cổ nhất tại Trung Quốc đều là do các Nhà sư Phật giáo trong quá trình hoằng dương Phật pháp đã mang theo bên mình và trồng ở khắp lãnh thổ rộng lớn này. Người Trung Quốc đã nâng tầm chế tác của mình lên hàng thượng thừa để cùng từ một loại trà nguyên liệu có thể làm ra vô vàn các loại trà khác nhau, vô cùng độc đáo rồi “xuất” ngược về nơi “bản xứ” của lá trà. Người Nhật Bản đã đưa nghệ thuật trà lên một đỉnh cao, trở thành “đạo” hay xa hơn là một hình ảnh tượng trưng. Trà đến với Hàn Quốc muộn hơn cả nhưng ở một dân tộc duy mỹ tới ám ảnh thì cung cách dùng trà cũng được nâng thành Trà lễ. Đâu đó ở cách người Hàn uống trà ta sẽ bắt gặp hình ảnh Trà Việt trong đó. Bên cạnh việc người Hàn Quốc ướp hương cho trà bằng các loại hoa như trà hoa nhài, hoa quế, hoa sen thì họ cũng rất chuộng việc dùng các loại thảo mộc trong vườn nhà để làm thành trà
Kỳ lạ thay, trên con đường trà ấy, Myanma, Thái Lan, Lào, Việt Nam đều là những nơi phát tích những gốc trà tự nhiên cổ nhất, cũng là nơi có tập quán uống trà từ rất sớm vậy nhưng tuyệt nhiên lại không có thứ “văn hoá trà” đầy tầm ảnh hưởng kia. Có thể nói, con đường trà của Việt Nam có bề dày về lịch sử nhưng bởi những nguyên nhân như chiến tranh, ách thống trị và đô hộ trong hàng ngàn năm đã khiến người dân chỉ dám nghĩ tới cái “no đủ” mà chưa thể nghĩ tới “cái đẹp”. Nói vậy không phải một sự tự ti hay nhược tiểu, mà thực tâm mong muốn “chúng ta” thế hệ đã biết “ăn ngon, mặc đẹp” sẽ làm sao để xây dựng được một phong cách riêng trên hành trình tạo dựng “đặc trưng riêng có” cho văn hoá uống trà của người Việt mình.
NGHỆ THUẬT TRÀ ĐẠO
Trung Quốc là cái nôi của trà đạo, bởi đây là quốc gia đầu tiên phát hiện ra trà và sử dụng trà như một thức uống hằng ngày. Nét văn hóa này đã được truyền tụng từ rất lâu trong lịch sử của đất nước này, cũng chính là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Đối với họ, thưởng trà đã trở thành nét văn hóa ngàn năm lịch sử. Việc thưởng trà cũng là một nghệ thuật.
Để có thể có được một ấm trà ngon, không đơn giản chỉ là nguyên liệu tốt, mà còn là thể hiện sự tinh tế trong nghệ thuật pha trà, sự kết hợp hài hòa giữa “Trà” và “Đạo”. Trà với họ mà nói chính là "Quốc ẩm", là thứ không thể thiếu. Cũng như cầm, kỳ (cờ), thư (thư pháp), họa, thi, tửu (rượu), trà được văn nhân Trung Quốc coi là 7 thứ không thể thiếu được trong cuộc sống. Điều này cho thấy Trà đã trở thành một thứ truyền tải văn hóa - nghệ thuật truyền thống của Trung Quốc. Nguồn gốc hình thành Nghệ thuật uống trà bắt đầu hình thành vào đời nhà Đường của Trung Quốc. Nghệ thuật uống trà bao gồm hai mặt: một mặt là nghi lễ, gồm các khâu chuẩn bị để thưởng thức trà cũng như phương pháp thưởng thức; mặt khác là tư tưởng tu dưỡng, tức là phải thông qua uống trà tu thân, nuôi dưỡng tinh thần, nâng cao tư tưởng cá nhân lên trình độ hiểu biết triết lý.
Dân tộc Hoa Hạ là nguồn gốc của trà và là cái nôi của văn hóa trà, do đó trà đã làm bạn với dân tộc Trung Hoa suốt 5000 năm qua. “Nhất bôi xuân lộ tạm lưu khách lưỡng dịch thanh phong kỷ dục Tiên” (Tạm dịch: “Một chén trà xuân tạm giữ khách, một cuộc sống thanh bạch làm người ta muốn trở thành Tiên”). Khách tới nhà thì mời trà là truyền thống đẹp của người Trung Hoa. Từ lâu nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người Trung Quốc.
Văn hóa trà đạo phản ánh đặc điểm của văn hóa truyền thống phương Đông – sự kết hợp của “Trà” và “Đạo”. Thời Trung Hoa cổ xưa, Đạo hiện diện trong tất cả các ngành nghề, và mọi người cũng quan tâm đến việc theo Đạo. Vì vậy, cũng có Đạo trong việc nếm trà. Trà Đạo cụ thể là “hài hòa, tĩnh lặng, mãn nguyện và trung thực"